Đang truy cập : 0
Hôm nay : 86283
Tháng hiện tại : 1320972
Tổng lượt truy cập : 43791761
Trong những năm qua, Bắc Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Một trong những kết quả nổi bật là số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ giảm nhanh, cùng với cả nước đạt mức sinh thay thế (2,1 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) vào năm 2006.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức và tồn tại nhiều hạn chế. Nổi bật là mức sinh tuy có giảm trong thời gian gần đây song vẫn cao và không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng. Tỉ số giới tính khi sinh cao với 126,3 trẻ trai/100 trẻ gái (cả nước là 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái). Nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng đầy đủ, nhất là đối tượng chưa kết hôn, vị thành niên/thanh niên. Dịch vụ kế hoạch hoá gia đình phần lớn tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ mà chưa mở rộng và tiếp cận nhiều đến đối tượng vị thành niên/thanh niên và người chưa kết hôn. Công tác truyền thông, giáo dục có lúc, có nơi chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, kịp thời, nội dung, hình thức truyền thông ít đổi mới, chưa thật đa dạng, toàn diện.
Những hạn chế trên dẫn tới việc chỉ không đầy 10 năm duy trì mức sinh thay thế, đến năm 2014 mức sinh của tỉnh đã có xu hướng tăng trở lại. Số con trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hàng năm cao, theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ở mức 2,31 con. Tỉ lệ sinh con lần thứ 3 trở lên có chiều hướng tăng, năm 2020 là 15,4% so với số sinh, đáng chú ý là cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 gia tăng hàng năm. Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có mức sinh cao nhất toàn quốc. Mức sinh tăng trở lại sau gần 10 năm đạt mức sinh thay thế đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cũng dẫn đến khó khăn cho việc giải quyết đồng bộ các mục tiêu dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Nhằm cụ thể hóa Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chương trình Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 nhằm phấn đấu đạt và duy trì mức sinh thay thế, hướng tới ổn định quy mô dân số, giải quyết đồng bộ các mục tiêu về cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Theo đó, Chương trình Điều chỉnh mức sinh của tỉnh đến năm 2030 tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đưa mục tiêu, chỉ tiêu về quy mô dân số, mức sinh, tỷ lệ sinh con lần thứ 3 trở lên... là một chỉ tiêu trong các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương hàng năm, thường xuyên quan tâm theo dõi, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng cấp thực hiện; tập trung cao chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở những địa bàn đông dân, có mức sinh và tỷ lệ sinh con lần thứ 3 trở lên cao. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp; bảo đảm sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chủ trì, cơ quan thường trực và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời cụ thể hóa nội dung, chính sách dân số trong quy định, quy chế của các cơ quan, đơn vị và coi đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị và người đứng đầu. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số.
Chú trọng tăng cường hoạt động truyền thông về dân số và phát triển qua việc đổi mới hình thức, nội dung truyền tải thông điệp, nội dung tuyên truyền, vận động cho từng nhóm đối tượng. Mở rộng kênh cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình qua mạng internet, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức của mọi đối tượng, đặc biệt là thanh niên. Phổ cập dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình bảo đảm công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ. Tư vấn, kiểm tra sức khoẻ, phòng, tránh và điều trị nguy cơ sinh con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo cho người chuẩn bị kết hôn, ưu tiên đối tượng sống ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, y tế; nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác dân số các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; củng cố, hoàn thiện hệ thống thông tin về dân số, chỉ báo, chỉ tiêu về quy mô dân số và mức sinh làm cơ sở hoạch định, xây dựng chính sách phát triển của tỉnh và từng địa phương.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì triển khai thực hiện Chương trình. Theo đó, hàng năm, Sở Y tế xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu về quy mô dân số, mức sinh vào hệ thống chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; rà soát, bổ sung vào chỉ tiêu, mục tiêu phát triển của ngành, của tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh triển khai thực hiện Chương trình; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê tỉnh hàng năm thống kê, báo cáo đánh giá chỉ tiêu kế hoạch mức giảm sinh và mức sinh, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp phù hợp cho những năm tiếp theo nếu có biến động bất thường về mức sinh; chỉ đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và các đơn vị y tế liên quan trực tiếp triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình.
Chi cục Dân số KHHGĐ
Nguồn tin: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
Những tin cũ hơn